CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ BẾN TRE

Giỗ Tổ Hùng Vương - hội tụ và tôn vinh văn hóa dân tộc

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình, ở nước ta có truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Truyền thuyết kể rằng Tổ phụ Lạc Long Quân lấy Tổ mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên rừng và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Như vậy, theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Và truyền thuyết này đã đi vào tâm khảm, thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm linh của mỗi người dân Việt Nam từ rất xa xưa.

Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo Cha xuống biển, nửa theo Mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào, gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết thiêng liêng những tiếng nước non, đồng bào; là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc; kết lắng những yếu tố căn bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc và sức mạnh của Việt Nam.

Bác Hồ về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954. (Ảnh: Sưu tầm)

Dân gian xưa có câu "Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông". Ý nghĩa của thành ngữ này hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo lý người dân Việt Nam. Vì vậy, từ xa xưa người dân đất Việt dù là ai, ở bất kỳ nơi đâu ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm cũng đều trở về, hướng về Đền Hùng, tìm về cội nguồn dân tộc, thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng. Quả thật hiếm thấy trên thế giới có một dân tộc nào có chung một gốc gác tổ tiên, một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam ta.

Tham khảo tư liệu sử sách: Bản ngọc phả viết vào thời Trần (năm 1470) đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông (năm 1601) sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Như vậy, từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Nghi thức lễ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại Di tích lịch sử cấp quốc gia - Đình Bình Hòa. (Ảnh: Sưu tầm)

Người xưa thường gọi ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ, Giỗ hội Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng. Sách sử ghi lại, Giỗ Tổ Hùng Vương thời ấy được tổ chức với tính chất dân gian và trong phạm vi hẹp, nhưng ngày này đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức bao thế hệ người Việt Nam; hễ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu bước chân của con Lạc, cháu Hồng lại nô nức hành hương về Đền Hùng, mang trong lòng thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao của những vị Vua Hùng đầu tiên của dân tộc. Ngày này, người dân ở khắp mọi miền đất nước dâng lên Vua Hùng những sản vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống, đó là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu... Nhạc khí cử hành là trống đồng cổ với những nghi lễ văn hóa đậm nét, cả dân tộc trong một khoảnh khắc linh thiêng cùng nhau hướng về nguồn cội của mình.

Có thể nói, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm - ngày Giỗ tổ Hùng Vương, là ngày duy nhất có được của toàn thể dân tộc Việt, đã trở thành điểm hẹn tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Đây không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc, là ngày giờ linh thiêng khiến tất cả dân tộc Việt "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Lễ vật nhân dân dâng cúng Giỗ Tổ Hùng Vương tại đình làng Bến Tre. (Ảnh: Sưu tầm)

Những câu ca dao truyền miệng giản dị, dễ hiểu ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đi vào tiềm thức người dân Việt luôn nhớ về Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước và xem đó là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm, quy tụ và gắn bó, đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để con Lạc, cháu Hồng tìm về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng, một dân tộc chưa biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào, kể cả những tên hùng mạnh sừng sỏ nhất trên thế giới như Pháp và Mỹ. Đây không những là niềm tự hào của dân tộc Việt, của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục, kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đất nước ta, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 02/9/1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến Đền Hùng; Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về thăm viếng. Kế thừa truyền thống dân tộc, nhất là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn Đất Tổ.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), là năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý, nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương giai đoạn sau ngày đất nước độc lập (2/9/1945) vẫn được duy trì, song vẫn giới hạn phạm vi tổ chức ở địa phương. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 02 lần về thăm Đền Hùng, lần đầu sau chín năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang với thiên sử vàng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (ngày 7/5/1954), ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Bác còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư Trung ương Đảng nước ta quy định là Ngày Lễ lớn trong năm. Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ngày này, nhân dân cả nước có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện "lòng tôn kính đối với tổ tiên", theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Và với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 - Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ bản sắc văn hóa, nguồn cội văn hóa trong vòng xoáy hội nhập thế giới.

Năm 2015, hòa trong không khí cả nước hân hoan, phấn khởi tổ chức các hoạt động hướng đến sự kiện trọng đại kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), tại Bến Tre trong tháng Tư lịch sử này đã có nhiều hoạt động gắn với ý nghĩa các sự kiện nổi bật của tỉnh và đất nước, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ngày Giỗ Tổ được tổ chức tại các đình làng trong tỉnh; mỗi huyện, thành phố chọn 01 đình làng tiêu biểu tổ chức điểm, sau đó đồng loạt tổ chức tại các đình làng khác; nghi thức tổ chức lễ và dâng hương thống nhất theo thông lệ hàng năm; đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố và các ban, ngành của từng địa phương sẽ tham gia lễ dâng hương tại một số ngôi đình lớn.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải qua biết  bao biến động thăng trầm, nhưng trong tâm thức của cả dân tộc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con, cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Có thể nói, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước kia cũng như hiện nay và trong tương lai, luôn là điểm hội tụ tâm linh tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc, tổ tiên, những người có công dựng làng lập nước, để lại non sông gấm vóc cho mỗi người dân đất Việt như hôm nay.